Hợp pháp hóa lãnh sự là vấn đề pháp lý được quan tâm hiện nay, hồ sơ đề nghị hợp pháp hóa lãnh sự gồm những tài liệu gì? Trình tự thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự tại Việt Nam tiến hành như thế nào? Lylichtuphap.info sẽ giải đáp thắc mắc cùng bạn.
Hợp pháp hóa lãnh sự là gì?
Hợp pháp hóa lãnh sự được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về việc chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự: “Hợp pháp hóa lãnh sự là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam”.
Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu hợp pháp hóa lãnh sự
Để thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự, cần chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu được quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về việc chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự , cụ thể:
“….1. Người đề nghị hợp pháp hóa lãnh sự nộp 01 bộ hồ sơ gồm:
a) 01 Tờ khai hợp pháp hóa lãnh sự theo mẫu quy định;
b) Xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp;
c) 01 bản chụp giấy tờ tùy thân đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện;
d) Giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự, đã được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước ngoài chứng nhận;
đ) 01 bản dịch giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh, nếu giấy tờ, tài liệu đó không được lập bằng các thứ tiếng trên;
e) 01 bản chụp các giấy tờ, tài liệu nêu tại điểm d và điểm đ để lưu tại Bộ Ngoại giao”.
Ngoài ra, các giấy tờ, tài liệu được quy định cụ thể tại Điều 9 Thông tư số 01/2012/TT-BNG ngày 20/3/2012 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính Phủ về hợp pháp hóa lãnh sự, cụ thể:
“Điều 9. Hồ sơ đề nghị chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự
- Giấy tờ tùy thân nêu tại điểm b, điểm c khoản 1 các Điều 11, 13, 14, 15 Nghị định bao gồm chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu.
- Bản chụp giấy tờ tùy thân nêu tại điểm c khoản 1 các Điều 11, 13, 14, 15 Nghị định không phải chứng thực.
- Giấy tờ, tài liệu đề nghị chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự nêu tại điểm d khoản 1 các Điều 11, 13, 14, 15 Nghị định nếu có từ hai tờ trở lên thì phải được đóng dấu giáp lai giữa các tờ hoặc phải được buộc dây, gắn xi hoặc áp dụng hình thức bảo đảm khác để không thể thay đổi các tờ của giấy tờ, tài liệu đó.
- Bản dịch giấy tờ, tài liệu nêu tại điểm đ khoản 1 các Điều 14 và 15 Nghị định không phải chứng thực; người nộp hồ sơ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch.
- Giấy tờ, tài liệu không cần kèm theo bản dịch sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 15 Nghị định là giấy tờ, tài liệu được lập bằng tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung, tiếng Đức đề nghị hợp pháp hóa lãnh sự tại Cơ quan đại diện tương ứng ở Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Đức. Quy định này cũng áp dụng đối với giấy tờ, tài liệu được lập bằng các thứ tiếng khác, đề nghị hợp pháp hóa tại các Cơ quan đại diện khác, nếu Cơ quan đại diện này có cán bộ tiếp nhận hồ sơ hiểu được thứ tiếng đó.
- Trường hợp hồ sơ đề nghị chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự được gửi qua đường bưu điện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định thì phải kèm theo phong bì có ghi rõ địa chỉ người nhận”.
Trình tự, thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự tại Việt Nam
Trình tự, thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự tại Việt Nam được quy định cụ thể tại Nghị định 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về việc chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự và Thông tư số 01/2012/TT-BNG ngày 20/3/2012 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính Phủ về hợp pháp hóa lãnh sự,
Bước 1: Nộp Hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, giấy tờ quy định trên, người đề nghị gửi hồ sơ đến Cục Lãnh sự- Bộ ngoại giao (Hà Nội), ở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh – Bộ Ngoại giao (Thành phố Hồ Chí Minh), ngoài ra bạn còn có thể nộp hồ sơ tại một số trụ sở cơ quan ngoại vụ địa phương được Bộ Ngoại giao ủy quyền tiếp nhận hồ sơ hợp pháp hóa lãnh sự (Danh sách các cơ quan ngoại vụ địa phương được cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử http://lanhsuvietnam.gov.vn)
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, đối chiếu tài liệu, giấy tờ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ có thể yêu cầu người đề nghị hợp pháp hóa lãnh sự xuất trình bản chính giấy tờ, tài liệu có liên quan và nộp 01 bản chụp giấy tờ, tài liệu này để lưu tại Bộ Ngoại giao (Quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính Phủ về hợp pháp hóa lãnh sự)
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ thực hiện việc đối chiếu con dấu, chữ ký và chức danh trong chứng nhận trên giấy tờ, tài liệu của hồ sơ đề nghị với mẫu con dấu, mẫu chữ ký với chức danh đã được nước đó chính thức thông báo cho Bộ Ngoại giao (Quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính Phủ về hợp pháp hóa lãnh sự)
Đối chiếu con dấu theo quy định
Bước 3: Trả kết quả
Thời hạn để Bộ ngoại giao xem xét hồ sơ đến khi trả kết quả là trong vòng 01 ngày làm việc (đối với trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ), đối với trường hợp hồ sơ có số lượng 10 giấy tờ trở lên thì thời hạn giải quyết có thể được kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày làm việc (Quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính Phủ về hợp pháp hóa lãnh sự).
Tiếp nhận lại kết quả hợp pháp hóa lãnh sự
Đối với trường hợp người yêu cầu nộp hồ sơ tại các cơ quan ngoại vụ địa phương thì sau khi thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu nói trên cần chuyển ngay cho Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh trong thời hạn 01 ngày làm việc.
Hi vọng với những thông tin về trình tự, thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự tại Việt Nam mà Lylichtuphap.info chia sẻ có thể giúp cho bạn tiến hành các thủ tục nhanh đóng, hồ sơ đầy đủ, đảm bảo đúng quy định. Lylichtuphap.info luôn đồng hành cùng các bạn.